NDĐT - Nếu có việc đi qua khu phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chắc hẳn người đi đường sẽ phải ngạc nhiên vì hầu hết những tấm biển hiệu, biển quảng cáo ở đây được viết bằng tiếng Hàn Quốc, thậm chí có cái còn … chẳng có chút tiếng Việt nào.
Những năm gần đây, cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Hà Nội đang ngày càng trở nên đông hơn, đặc biệt là khu vực quận Cầu Giấy. Những nhà hàng, siêu thị, hệ thống dịch vụ do đó cũng phát triển mạnh, và chủ yếu là cho người Hàn Quốc.
Người đi đường hiểu gì?
Từ dọc đường Trần Duy Hưng, rẽ vào khu phố Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Ngân, người đi đường sẽ gặp không ít những tấm biển hiệu, biển quảng cáo, bảng chỉ dẫn với ngôn ngữ chủ đạo là tiếng Hàn Quốc. Muốn hiểu được những dòng chữ này viết gì, phải để ý thật kỹ khu vực … ngoài rìa tấm biển hiệu. Từ những cái tên, những chú thích li ti như kiến, người đọc mới có thể “lờ mờ” hiểu được đó là tên nhà hàng, khách sạn, công ty; hay tên món ăn, đồ uống, dịch vụ…
Chưa cần bàn đến việc những tấm biển này có sai luật quảng cáo hay không, nhưng qua phỏng vấn nhanh người đi đường, chúng tôi được biết, sự thực là phần đông họ đều tỏ ra ngơ ngác vì ngoài những cái tên tiếng Anh, hoặc tên viết tắt, chẳng có lấy một chữ tiếng Việt, hoặc bất cứ thông tin gì tỏ ra là “dành cho người Việt”.
Anh Hoàng, nhân viên một công ty tại khu vực Trung Hòa – Nhân Chính, cho hay: “Mấy năm trời, ngày nào cũng đi làm qua đây, nhưng nếu hỏi tôi là họ bán cái gì, cung cấp dịch vụ gì, thì tôi … xin chịu”. Anh cười nói thêm: “Tôi có phải người Hàn Quốc đâu?”
Em T, học sinh THPT Nhân Chính thật thà: “Em không biết đâu ạ, em cũng chưa từng vào những chỗ đó bao giờ. Em thấy hình như chỉ dành cho người Hàn Quốc đấy chứ ạ?”
Khi phóng viên NDĐT thắc mắc về việc “giới trẻ thì quen nghe nhạc Hàn, xem phim Hàn, vậy sao không đọc được tiếng Hàn”, cô học sinh bẽn lẽn: “Dạ xem thì xem thôi chứ đọc thì em không biết”.
Dân phố: dần “quen tai quen mắt”
Người đi đường không hiểu đã đành, những người dân sống trong khu vực “phố Hàn” phần lớn cũng lâm vào “hoàn cảnh” tương tự, chỉ có một vài người lờ mờ “đoán” được, nhờ vào vài chữ tiếng Việt “hiếm hoi còn sót lại” trên các tấm biển “ngoại quốc” kia.
Là một người phụ nữ nội trợ trong gia đình, chị Nguyễn Thanh Tâm cho biết chị sống ở đây “gần chục năm rồi”, nhưng “vài năm nay mới thấy các cửa hàng như thế này đua nhau mọc lên”. Tuy “ngày nào cũng đi chợ qua đây”, nhưng theo chị thì “bên trong họ bán, họ làm cái gì, ai mà biết được”.
“Có vài nơi, nhìn vào món ăn họ in trên biển quảng cáo thì biết đấy là nhà hàng gì đó thôi”, chị chia sẻ.
Anh Hưng, làm nghề chạy xe ôm tại phố Nguyễn Thị Định, cũng có cùng ý kiến: “Ngồi đây cả ngày thật đấy, nhưng thấy người ra người vào cũng toàn nước ngoài cả”.
Với câu hỏi về việc những ngôi nhà “ngoại quốc” kinh doanh mặt hàng hay dịch vụ gì, anh chỉ lắc đầu cười.
Điều 18 về tiếng nói, chữ viết trong chương III, Luật Quảng cáo có nêu rõ:
1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ khi nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt.
2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.